Dự án cầu đường Bình Triệu 2: Sau 12 năm, chỉ 2/5 tiểu dự án hoàn thành
Được khởi công từ năm 2000, dự án cầu đường Bình Triệu 2 được kỳ vọng sẽ mở “nút thắt” ở cửa ngõ phía Đông của TP.HCM, nhưng sau 12 năm và qua 2 chủ đầu tư, dự án chỉ mới hoàn thành 2/5 tiểu dự án.
Dự án cầu đường Bình Triệu 2 lúc đầu được giao cho Tổng công ty XDCTGT 5 (Cienco 5) đầu tư theo hình thức BOT, khởi công từ năm 2000. Theo hợp đồng, Cienco 5 sẽ xây dựng cầu Bình Triệu 2, mở rộng QL13 từ ngã năm Đài liệt sĩ (Q.Bình Thạnh) đến ngã tư Bình Phước (Q.Thủ Đức), mở rộng đường Ung Văn Khiêm (ngã năm Đài liệt sĩ – cầu Sài Gòn), xây dựng nút Nguyễn Xí – Đinh Bộ Lĩnh và nút ngã năm Đài liệt sĩ… Tổng vốn đầu tư dự án là 341,9 tỷ đồng, dự kiến hoàn tất sau 2 năm.
Trạm thu phí cầu Bình Triệu 1 vừa được dựng lên |
Nhưng đến năm 2004, Cienco 5 chỉ hoàn thành một số hạng mục như: xây mới cầu Bình Triệu 2, nâng cấp mở rộng các tuyến đường quanh Bến xe miền Đông. Trong khi đó, năm 2003, TP.HCM điều chỉnh dự án mở rộng QL13 từ ngã tư Bình Triệu đến ngã tư Bình Phước lên 53m thay vì 32m. Do tổng mức đầu tư tăng lên quá lớn nên Cienco 5 xin rút khỏi dự án.
Năm 2005, TP.HCM giao lại cho Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) làm chủ đầu tư giai đoạn 2 dự án cầu đường Bình Triệu 2. Theo tính toán của CII tại thời điểm 2007, tổng mức đầu tư đã tăng lên 3.493 tỷ đồng chưa kể chi phí GPMB gần 5 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, mới đây ông Lê Quốc Bình, Tổng Giám đốc CII cho biết, CII chỉ ký kết hợp đồng BOT với UBND TP.HCM thực hiện 2 tiểu dự án là hoàn vốn cho dự án cầu Bình Triệu 2 (do Cienco 5 đã thực hiện) và sửa chữa cầu Bình Triệu 1. Mục đích của việc chia nhỏ dự án theo Sở GTVT TP.HCM là để thực hiện nhanh các tiểu dự án cấp bách trước rồi sẽ triển khai các bước tiếp theo.
Cũng phải gần 5 năm sau khi khởi động lại, chủ đầu tư mới thực hiện được 2 tiểu dự án đã ký kết. Trong khi 3 tiểu dự án khác gồm: tiểu dự án 1 (nâng cấp mở rộng QL13 đoạn từ ngã tư Bình Phước đến chân cầu Bình Triệu 1), tiểu dự án 4 (mở rộng đường Nguyễn Xí và xây dựng nút giao thông ngã năm Đài liệt sĩ), tiểu dự án 5 (nâng cấp mở rộng đường Ung Văn Khiêm từ Đài liệt sĩ đến Tân Cảng) chưa biết lúc nào triển khai. Ông Bình cho biết, các tiểu dự án này phụ thuộc vào nguồn vốn mà TP bố trí cho công tác GPMB, hiện nay đã trên 5.500 tỷ đồng.
Điều đáng chú ý là dù chỉ mới hoàn thành 2 tiểu dự án với tổng mức đầu tư tạm tính theo hợp đồng là 230,66 tỷ đồng nhưng CII đã lập 2 trạm thu phí để hoàn vốn. Với trạm thu phí cầu Bình Triệu 2 sẽ thực hiện thu phí trong vòng 5 năm 3 tháng. Việc thu phí cho tiểu dự án sửa chữa cầu Bình Triệu 1 sẽ thực hiện trong 3 năm 3 tháng.
Việc kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa đầu tư hạ tầng theo hình thức BOT là rất cần thiết trong điều kiện nguồn vốn ngân sách hạn hẹp như hiện nay. Tuy nhiên, nhiều người đặt vấn đề, CII chỉ bỏ một số vốn ra để sửa chữa cầu Bình Triệu 1 rồi tiến hành thu phí. Liệu các tiểu dự án còn lại có thực hiện theo cách này hay không? Tức là cũng chia nhỏ để thực hiện từng tiểu dự án một rồi cũng đặt thêm trạm thu phí, khi mà quanh các cửa ngõ của TP.HCM đều đã kín các trạm thu phí?
<>Phan Tư
Nguồn : Báo GTVT
Leave a Reply