Dự thảo phê duyệt Luật thủ đô: Cơ hội nào cho người nhập cư
<>Siết chặt điều kiện nhập hộ khẩu
Theo dự thảo, để được đăng ký thường trú vào nội thành Hà Nội thì cần phải có các điều kiện sau: Có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở; đã tạm trú liên tục tại chỗ ở đó từ ba năm trở lên và nơi đăng ký thường trú phải là nơi đăng ký tạm trú.
So với dự thảo lần trước thì quy định về thời gian tạm trú lần này tăng thêm một năm và đưa vào thêm quy định nơi đăng ký thường trú phải là nơi tạm trú. Lý giải về vấn đề này, Ban soạn thảo cho rằng quy định như vậy nhằm tránh tình trạng tạm trú một nơi nhưng lại đăng ký thường trú ở một nơi khác gây khó khăn cho công tác quản lý dân cư.
Tại cuộc họp này, có 17/28 đại biểu của Ủy ban pháp luật đồng ý với quy định về điều kiện đăng ký thường trú như trong dự thảo.
Khả năng để có hộ khẩu thủ đô thực sự trở nên rất khó khăn với nhiều người nhập cư hiện nay. Ảnh: HTD
<>Còn nhiều băn khoăn
Có thể nói, với những quy định trên, khả năng để có hộ khẩu thủ đô thực sự trở nên rất khó khăn với rất nhiều người nhập cư hiện nay. Thực tế cho thấy nếu đã ở nhà thuê thì việc ở liên tục tại chỗ đó từ ba năm trở lên không phải ai cũng đáp ứng được (vì lý do chuyển nhà). Tương tự, người thuê nhà cũng khó biết chủ nhà nào “có đăng ký kinh doanh nhà ở” để lựa chọn mà chỉ chọn chỗ ở thuận tiện cho việc đi lại và vừa túi tiền mà thôi.
TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp, lưu ý thêm: Cử tri Hà Nội băn khoăn về quy định thời gian tạm trú tại sao phải là ba năm trở lên và nơi đăng ký thường trú phải là nơi đăng ký tạm trú. Vì nếu người nào muốn ở Hà Nội thì năm năm người ta cũng chờ. Hoặc nơi tạm trú trước đây là nhà thuê mà giờ người ta mua được nhà ở chỗ khác muốn đăng ký thường trú ngay về đó thì lại không được. “Vì vậy Ban soạn thảo phải xem lại quy định ở chỗ này” – ông Thảo nói.
<>Hạn chế xây chung cư trong nội thành?
Ở một góc độ khác, ông Trần Văn Tư, Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai, cho rằng trong thời điểm hiện nay, dù có quy định bằng các biện pháp hành chính thế nào đi nữa thì sự chuyển dịch dân cư vẫn là điều tự nhiên. Quy định ba năm hay năm năm (thời gian tạm trú – PV) là ý chí chủ quan của nhà quản lý. Trong khi đó, nếu người dân vẫn đổ về Hà Nội, chỉ cần tạm trú thôi thì Hà Nội vẫn phải lo phát triển cơ sở hạ tầng để đáp ứng nhu cầu sinh sống và làm việc của người dân. “Vì thế vấn đề là cần quan tâm đến quản lý quy hoạch, xây dựng vì nếu không thì người dân cứ kiếm những nơi ở có diện tích nhỏ 5-10 m2 để lưu trú rồi vài năm sau cũng thành công dân Hà Nội” – ông Tư nêu quan điểm.
Ý kiến khác thì cho rằng dự thảo cần quy định thêm về việc hạn chế hoặc cấm xây dựng mới chung cư trong nội thành thì mới góp phần hạn chế việc đăng ký thường trú vào nội thành. Vấn đề này đã được Ban soạn thảo lưu ý sẽ đưa vào dự thảo khi trình ra QH.
<>Không cho tăng mức phạt
Theo ông Nguyễn Bá Thuyền, Phó Trưởng đoàn Đại biểu QH tỉnh Lâm Đồng, cơ chế đặc thù cho thủ đô thể hiện trong dự thảo chưa rõ nét. “Cơ chế tài chính là điều quan trọng số một để xây dựng Hà Nội chứ không phải là việc tăng phạt. Thứ hai là đất đai vì đây là nguồn lực có giá trị rất cao của Hà Nội. Do vậy cần có cơ chế cho Hà Nội thu khoản đó nhằm xây dựng thủ đô ngày càng phát triển hơn” – ông Thuyền nói.
Tại cuộc họp, đa số đại biểu cũng thống nhất việc không quy định cho Hà Nội được xử phạt vi phạm hành chính cao hơn (đối với ba lĩnh vực xây dựng, đất đai và văn hóa) và thu phí cao hơn (trong lĩnh vực giao thông).
<>NHẪN NAM/Pháp luật TPHCM
Nguồn : Giáo dục Việt Nam
Leave a Reply