Xuất khẩu thực phẩm vào Mỹ và một số điều mới cần biết
Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết, hiện nay Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đang triển khai một số quy định mới của Luật hiện đại hóa an toàn vệ sinh thực phẩm (FSMA). Theo đó, có một số nội dung đáng chú ý liên quan đến xuất khẩu hàng thực phẩm của Việt Nam sang Hoa Kỳ.
Đăng ký cơ sở làm hàng xuất khẩu
Bắt đầu từ ngày 1/10 năm nay, toàn bộ các cơ sở làm hàng thực phẩm xuất khẩu của Việt Nam và của các nước khác vào thị trường Mỹ (bao gồm các cơ sở sản xuất, chế biến, đóng gói hoặc lưu kho hàng thực phẩm để tiêu thụ tại thị trường Mỹ) đều phải tiến hành thủ tục đăng ký lại hoặc đăng ký mới với Cục quản lý Thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ để được nhận một mã số kinh doanh mới.
Từ ngày 1/1/2013, FDA sẽ tiến hành kiểm tra toàn bộ các lô hàng thực phẩm xuất khẩu vào Mỹ, nếu phát hiện không có mã số kinh doanh mới hợp lệ do FDA cấp từ ngày 1/10/2012 thì hàng hóa sẽ bị giữ tại cửa khẩu hoặc bị từ chối nhận hàng, toàn bộ chi phí do người xuất khẩu chịu. Mã số kinh doanh mới của FDA chỉ có giá trị trong 2 năm, vì vậy cứ 2 năm một lần các cơ sở làm hàng thực phẩm xuất khẩu vào thị trường Mỹ lại phải làm thủ tục đăng ký lại để nhận mã số kinh doanh mới.
<>Đăng ký người đại diện tại Mỹ
Song song với việc đăng ký mã số kinh doanh mới, người xuất khẩu cũng phải đăng ký chính thức với FDA một người đại diện tại Mỹ cho cơ sở của mình. Người đại diện tại Mỹ (US Agent) có thể là một người, một công ty hoặc một cơ quan có trụ sở tại Mỹ đóng vai trò là người liên lạc tại chỗ, duy trì liên lạc thông suốt với FDA 24/24 giờ, đồng thời là người phải trả lời các câu hỏi của FDA liên quan đến cơ sở làm hàng xuất khẩu và mặt hàng xuất khẩu trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu của FDA. Người đại diện tại Mỹ đồng thời là người sẽ thay mặt cho cơ sở làm hàng xuất khẩu chịu trách nhiệm thanh toán cho FDA toàn bộ các chi phí liên quan đến việc thanh tra các cơ sở làm hàng xuất khẩu do FDA thực hiện.
Qua nghiên cứu của Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ về hai quy định mới trên, Thương vụ đã đưa ra hướng dẫn thêm cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa vào Hoa Kỳ.
Khái niệm hàng thực phẩm nêu trong quy định gồm tất cả các mặt hàng dùng để chế biến ra (hoặc chính mặt hàng) đồ ăn, thức uống cho người và động vật (bao gồm cả kẹo cao su) hoặc chỉ là một thành phần trong đồ ăn, thức uống cho người và động vật. Bao gồm 3 nhóm sau: Nhóm thực phẩm và đồ uống; Nhóm thực phẩm chức năng cho ăn kiêng; Nhóm đồ uống có cồn.
Về việc đăng ký cơ sở làm hàng thực phẩm xuất khẩu với FDA để nhận được một số mã kinh doanh mới sẽ được tiến hành từ ngày 1/10/2012. Tất cả các cơ sở làm hàng xuất khẩu của Việt Nam nếu trước đây đã từng xuất khẩu vào Mỹ và đã được FDA cấp mã số kinh doanh (cũ) thì đều phải làm thủ tục đăng ký lại để nhận được mã số kinh doanh mới, các đơn vị đang giao dịch và dự kiến sẽ xuất khẩu vào Mỹ từ đầu năm 2013 phải làm thủ tục đăng ký mới để được nhận mã số kinh doanh. Chỉ mã số kinh doanh mới do FDA cấp mới được coi là hợp lệ để xuất khẩu vào Mỹ.
Việc đăng ký mã số kinh doanh mới sẽ được FDA tiếp tục thực hiện trong suốt các năm tiếp theo kể từ 1/1/2013 nên nếu các đơn vị Việt Nam chưa có lô hàng nào đến Mỹ vào đầu năm 2013 vẫn sẽ tiếp tục được đăng ký với FDA để được nhận mã số kinh doanh mới trước khi hàng đến Mỹ. Nếu hàng đến Mỹ từ đầu năm 2013 mà doanh nghiệp không xuất trình được mã số kinh doanh mới thì toàn bộ lô hàng sẽ bị tịch thu hoặc từ chối nhận hàng.
Các cơ sở làm hàng thực phẩm xuất khẩu của Việt Nam và của các nước khác có xuất khẩu vào thị trường Mỹ (bao gồm các cơ sở sản xuất, chế biến, đóng gói hoặc lưu kho hàng thực phẩm để tiêu thụ tại thị trường Mỹ) sẽ không phải làm thủ tục đăng ký nếu hàng thực phẩm đó trước khi xuất khẩu vào Mỹ tiếp tục được chế biến (bao gồm cả đóng gói) tại một cơ sở khác tại nước ngoài. Tuy nhiên, nếu cơ sở khác tại nước ngoài chỉ đóng vai trò rất nhỏ trong việc tạo ra sản phẩm cuối cùng như chỉ dán nhãn sản phẩm thì cả hai cơ sở trong nước và nước ngoài đều phải làm thủ tục đăng ký.
Việc chỉ định và đăng ký người đại diện tại Mỹ đã nâng cao trách nhiệm của Người đại diện lên rất nhiều, buộc họ phải có trách nhiệm thay mặt cho cơ sở làm hàng xuất khẩu trả lời trong vòng 24 giờ các yêu cầu của FDA. Vì vậy, nếu chỉ định Người đại diện tại Mỹ là người thiếu trách nhiệm hoặc vì những lý do đột xuất (như đi công tác vắng, đi nghỉ lễ, việc riêng gia đình) không thể hàng ngày kiểm soát thông tin sẽ có thể dẫn đến việc không trả lời FDA đúng hạn và sẽ bị thu hồi mã số kinh doanh.
Leave a Reply