Nói những điều này sẽ ảnh hưởng sự phát triển của trẻ
Thay vì tức giận, hỏi tại sao con làm thế… bạn nên nhẹ nhàng và thử nói: “”Chuyện gì đã xảy ra, khi con thường xuyên không đem tập, bút về nhà”. Khi bạn thực sự quan tâm đến những diễn biến xung quanh con, con bạn sẽ giải thích một cách trung thực với bạn.
Đừng nghĩ là cha mẹ, cứ áp đặt suy nghĩ của mình lên con trẻ, đôi khi đó là sai lầm, làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của con bạn.
Những lời khuyên sau rất bổ ích, giúp phụ huynh có cách điều chỉnh đúng đắn khi thảo luận cùng con cái.
1. “Con luôn luôn …” hoặc ” Con không bao giờ …”
“Tại sao con luôn thức dậy muộn” hay “Con không bao giờ làm việc vặt trong nhà”. “Mẹ rất thất vọng về con, con luôn là đứa luôn lãng phí thời gian của mẹ nhất”…
Đó là những gì tôi nghe được từ chị gái tôi nói với cháu tôi khi tôi vừa mới bước vào nhà. Sự xuất hiện của tôi lúc này, dường như không giảm đi cẳng thẳng giữa họ, mà có xu hướng tăng lên, khi chị gái tôi nói: “Chị chịu hết nổi vì thói xấu của Bo, nó chỉ suốt ngày chơi, chẳng chịu học hành, chị nói tới là giãy nảy lên còn cãi lại”. Lúc này, Bo, cháu trai của tôi cũng không chịu thua, gân cổ lên mà cãi lại, vì Bo nghĩ rằng có tôi bên cạnh thì dù sao, mẹ chúng vẫn không làm gì được.
Thấy tình thế quá căng thẳng, tôi yêu cầu Bo đi về phòng cùng tôi.
Lên tới phòng cậu bé òa khóc nức nở, cậu nói mẹ cậu luôn bắt cậu làm thế này mà không phải thế khác, những gì mẹ nói luôn luôn là đúng, buộc con phải tuân theo…. Sau một lúc nói chuyện cùng Bo, tôi đã thấy cậu bé đã dịu đi phần nào.
Sau đó tôi xuống nói chuyện với chị gái, dường như chị ấy vẫn chưa cảm thấy thoái mái vì những gì diễn ra. Từ nhỏ, tôi biết tính chị gái, luôn bắt mọi người làm theo ý mình, ai không thực hiện thì y như rằng chị luôn cáu gắt khó chịu…
|
Để thay đổi một thói quen không dễ dàng chút nào, sợ chị tự ái, tôi phải đi đường vòng bằng cách nói về các con của tôi. Tôi nói: “Mỗi lần chị tới nhà em, chị thấy các con em thế nào? Có phải là chúng rất ngoan không? Mỗi đứa làm những công việc khác nhau, tùy vào độ tuổi và năng lực của mình. Bé nào làm giỏi được thưởng, phạm quy sẽ bị phạt”…Tại sao chị không áp dụng cách đơn giản vậy mà chị muốn mọi thứ lại rối tung lên. Tôi còn nói rằng, con nít thời nay khôn lắm, không giống như mình ngày xưa, thay vì nặng lời, nạt nộ con thì chị phải như là người bạn, đồng hành cùng con. Thay vì nói rằng: “Con luôn thức dậy muộn”, hãy nói với con rằng “Con đã thức dậy muộn trong 3 ngày qua, đã khiến con đến trường muộn, mẹ con mình cần thảo luận về vấn đề này nhé!”. Bằng cách trích dẫn các ví dụ cụ thể và giải thích cho con lý do tại sao phải thức dậy sớm, chị sẽ có cuộc nói chuyện hiệu quả hơn…
Còn cách chị hay nói với con, về lâu dài con sẽ trở nên đối kháng, tự vệ hơn là thỏa hiệp để cả hai có hướng giải quyết tốt đẹp. Hơn tháng sau, chị gái tôi gọi điện khoe chiến tích việc đã có thể nói chuyện, thảo luận cùng con một cách vui vẻ hơn, giữa hai bên đã không còn căng thẳng, gay gắt như trước.
2. “Con nên xấu hổ về chính mình”
Ảnh minh họa |
Tuần rồi, đi siêu thị, sau khi tính tiền xong, tôi ra chỗ giữ xe để lấy xe về nhà, đang định rồ máy chạy đi thì nghe tiếng cô bé gái đứng bên cạnh tôi nói với mẹ cô bé: “Mẹ ơi, anh hai khoe với con đã lấy được bịch kẹo trong siêu thị mà không ai phát hiện, nãy giờ con xin hoài mà anh hai không cho con viên kẹo nào”. Nói xong, cô bé ra vẻ mè nheo để vòi kẹo. Tôi nán lại để xem người mẹ xử lý thế nào, nhưng thay vì yêu cầu con không được tự ý lấy đồ của người khác, vì đó là tật xấu, cần nghiêm khắc trừng trị, thì người mẹ lại lấy kẹo chia đều cho 2 bé sau đó lại nói, nếu chẳng may bị bảo vệ, hoặc ai đó phát hiện, thì thật đáng xấu hổ… Với tư cách là cha mẹ, mục tiêu là giáo dục con cái, đưa ra các quyết định dựa trên các giá trị và nguyên tắc đúng đắn để hình thành nhân cách con trong tương lai, chứ không phải chỉ đơn thuần là hổ thẹn, xấu hổ về bản thân mình…
3. Đừng nói: “Tại sao con …”
Tôi cũng đã từng mắc sai lầm khi con phạm lỗi. Trẻ con mà, đôi khi rất ham vui, quên tập hoặc làm mất bút chì, tẩy cũng là chuyện bình thường. Với lại do bé vẫn còn nhỏ, chưa có thói quen ngăn nắp, cẩn thận… Thay vì nhẹ nhàng dạy con, tôi lại giận dữ, dọa nạt con đủ điều. Tất nhiên, trong những tình huống bị cáo buộc hoặc đe dọa như trên, con tôi phải tìm cách nói dối để được an toàn. Vô hình trung đã tạo một thói quen xấu cho con về sự không trung thực.
Ảnh minh họa |
Thay vì tức giận, hỏi tại sao con làm thế… bạn nên nhẹ nhàng và thử nói: “”Chuyện gì đã xảy ra, khi con thường xuyên không đem tập, bút về nhà”. Khi bạn thực sự quan tâm đến những diễn biến xung quanh con, con bạn sẽ giải thích một cách trung thực với bạn.
4. “Đừng tranh cãi…”
Bạn có thể nói điều này trong sự thất vọng, vì bạn cảm thấy con hỗn hào, vô lễ… Nhưng con của bạn không hiểu điều đó là sai, bé chỉ bày tỏ quan điểm theo cách của bé. Đôi khi trẻ cố gắng giải thích mọi thứ từ quan điểm của mình, họ không nhận ra rằng họ đang thô lỗ, vô lễ. Và dường như lúc này, bạn nói với con đừng tranh cãi với bạn là không hợp lý với con trẻ. Đôi khi bạn phải để con nói những ấm ức trong lòng để hiểu hơn về con bạn, biết rằng con bạn đang muốn gì và cần gì để hiểu được cảm xúc của con hơn. Vì cả bản thân bạn cũng muốn bảo vệ ý kiến của bạn, tất nhiên con bạn cũng vậy. Nên trong tất cả mọi chuyện khi nói chuyện với con cần bình tĩnh và hết sức nhẹ nhàng để đồng hành cùng con.
Theo NLĐ
Tin Tức Chứng Khoán |
Chuyện Doanh Nhân |
Phong cách Cuộc Sống |
Hồ sơ Doanh Nghiệp |
Tin Tức Giải Trí |
BUSINESS – CỔNG THÔNG TIN VỀ VẤN ĐỀ KINH DOANH , THƯƠNG MẠI, KHỞI NGHIỆP MỚI NHẤT, GƯƠNG MẶT DOANH NHÂN VÀ NHỮNG BÀI HỌC TRONG THỰC TIỄN QUẢN TRỊ CỦA DOANH NHÂN
BUSINESS BY THIENMY.COM – THÔNG TIN KINH DOANH – KHỞI NGHIỆP – MARKETING – DOANH NHÂN
Leave a Reply